Nhà thờ Lê Anh Tuấn (Thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) có tên chữ là Lê Thái Bảo từ, tên chữ này lấy theo chức tước của ông khi làm quan dưới triều Lê. Nhà thờ được xây dựng trên nền nhà cũ của ông (lúc sinh thời) thuộc thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì. Xưa kia gọi là làng Thanh Mai (Kẻ Mơ), tổng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai.
Di tích cách trung tâm Thủ đô 60km. Từ Hà Nội, theo đường bộ 32A tới ngã ba Đồng Bảng rẽ phải, đến ngã tư Mơ rẽ phải, đi khoảng 200m tới làng Mai Trai, di tích ở ngay cạnh làng.
Nhà thờ là nơi an nghỉ, thờ phụng Lê Anh Tuấn - một nhân vật có tên tuổi trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII. Lê Anh Tuấn sinh ngày 11 tháng năm năm Tân Hợi (1671), tên thuỵ là Đạt Nghi, hiệu là Địch Hiên. Từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng thông minh, tài giỏi. Ông đỗ tiến sĩ năm Giáp Tuất (1694) làm đến Tham tụng Hộ bộ Thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ, Thái tử, Thái bảo, tước Điện quận công. Năm Long Đức thứ hai (1733), chúa Trịnh Giang cử ông đi đốc trấn coi việc quân, dân ở Lạng Sơn, ông bị hoạn quan vu cáo và bị kết tội có liên quan đến việc tâu với Trịnh Cương phế truất Trịnh Giang lên làm Thế tử, Trịnh Giang đã thu hồi lại chức tước của ông, bắt Lê Anh Tuấn tự xử tử mình ở Lạng Sơn.
Đến năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) Trịnh Doanh lên ngôi đã minh oan cho ông, khôi phục lại chức tước, ban cho hai chữ “Địch Hiên” (tự hào tiến lên). Trong hơn bốn mươi năm làm quan, ông đã có nhiều sáng kiến, thực hiện nhiều sửa đổi về tài chính kinh tế - xã hội, có nhiều đóng góp lớn lao phục vụ nhà chúa, phục vụ đất nước. Một thời gian sau khi Lê Anh Tuấn được minh oan (1741), nhà thờ ông cũng được dựng lên. Di tích này thuộc loại di tích lưu niệm danh nhân. Đến nay đã trải qua ba lần tu sửa lớn: năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), Thành Thái thứ 10 (1898) và gần đây nhất là năm Bảo Đại thứ 14 (1939) đều do con cháu họ Lê góp quỹ công đức tu sửa. Nhà thờ tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bên cạnh khu vực cư trú của làng, quay theo hướng chính đông nhìn ra ao làng. “Lê Thái Bảo từ” có quy mô tương đối lớn, có hai nếp song song chữ “nhị”. Hai nếp nhà có kiến trúc tương tự nhau, đều 5 gian, các bộ vì “thượng kèo cầu - hạ kẻ chuyền”, 4 hàng cột. Nhà trong là toà Bái đường làm nơi tế lễ, họp hành của dòng họ Lê.Trang trí trên các mảng kiến trúc khá đơn giản, chủ yếu bào trơn, soi gờ có điểm chút ít vân xoắn ở các đầu kèo, bẩy, rường.
Xung quanh nhà thờ có tường xây đá ong bao bọc. Mặt trước có cổng Nghi môn kiểu trụ biểu.
Trong nhà thờ này còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá. Đó là các hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của Thái Bảo Lê Anh Tuấn, các tấm bia đá ghi chép thân thế và sự nghiệp của ông. Cuốn ngọc phả dòng họ Lê và các đạo sắc phong của triều Lê phong cho Lê Anh Tuấn cùng con cháu. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ khác với chất liệu gỗ chạm, vải, đồng, sứ.
Nhà thờ Lê Anh Tuấn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm danh nhân năm 1990./.